vuongnha-y

Wednesday, March 31, 2010

Bảo lãnh thân nhân từ VN: Tại sao phải chờ visa?

ấy tháng nay người bảo lãnh cho con có gia đình cảm thấy vô cùng bực dọc vì ngày đáo hạn visa của diện này (F-3) cả bốn năm tháng nay cứ giậm chân tại chỗ và không biết phải chờ bao lâu nữa. Tại sao? Tại sao?

Ðể trả lời câu hỏi này ta phải tìm hiểu sơ lược về các điều khoản liên quan đến số visa cấp cho người hội đủ điều kiện vào Mỹ theo diện di dân (immigrant visa) mỗi năm.

Số visa di dân do Quốc Hội phê chuẩn và được ấn định bởi điều khoản 201 của luật di trú (Immigration National Act, viết tắt là INA). Ðiều khoản này ấn định số chiếu khán di dân tối thiểu cho đơn bảo lãnh thân nhân thuộc loại phải sắp hạng theo ưu tiên (family-sponsored preference) là 226,000.

Chỉ có những người sau đây là không nằm trong quy định của điều khoản trên, nghĩa là không phải chờ visa, đó là những người thuộc loại thân nhân trực hệ của công dân Hoa Kỳ(immediate relatives) gồm:

1. Cha/mẹ của công dân Mỹ.

2. Vợ/chồng của công dân Mỹ

3. Con độc thân dưới 21 tuổi của người có quốc tịch Mỹ.

Ðiều khoản 203 INA chia các ưu tiên visa như sau:

F-1: Con độc thân từ 21 tuổi trở lên của công dân Mỹ được cấp 23,400 visa cộng thêm số visa còn dư lại của ưu tiên F-4.

F-2A (vợ/chồng và con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân) và F-2B (con độc thân: từ 21 tuổi trở lên của thường trú nhân): 114,000.

- F-2A chiếm 77% của 114,00 Visa này.

- F-2B lấy 23% còn lại.

F-3: Con có gia đình của công dân Mỹ: 23,400 Visa.

F-4 Anh chị em (độc thân hoặc có gia đình): 65,000 Visa.

Nhìn vào bảng cấp khoản Visa trên ta thấy số Visa dành cho F-3 và F-1 bằng nhau mà thời gian chờ Visa của F-3 lại lâu hơn F-1 vì số người chờ visa của F-3 đông hơn số người chờ Visa của F-1. (Sở dĩ đông hơn vì đem theo cả vợ/chồng con)

Mặc dầu số visa cấp cho mỗi hạng hàng năm không thay đổi nhưng số người chờ visa của mỗi hạng thay đổi tùy theo từng thời kỳ nên ta không thể nói trước được hạng nào phải chờ bao nhiêu năm. Số visa dành cho mỗi nước bằng nhau, nhưng vì số người chờ visa của mỗi nước khác nhau nên thời gian chờ visa của mỗi nước khác nhau. Thí dụ: Thời gian chờ visa của hạng F-3 của Phi Luật Tân và Mễ Tây Cơ là 18 năm, trong khi ở các nước khác chỉ có hơn 9 năm.

Ðặc biệt năm nay F-3 chờ rất lâu, ngày đáo hạn visa giậm chân tại chỗ mấy tháng rồi vẫn không nhích được một ngày (ngày đáo hạn visa của F-3 của tháng 4 năm 2010 vẫn là 22 tháng 5 năm 2001).

Mới đây Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản báo cáo “Báo Cáo Hàng Năm Về Ðơn Xin Chiếu Khán Di Dân Ðăng Ký Với Bộ Ngoại Giao Từ 1-11-2009”.

Bản báo cáo này cho ta thông tin về số người của mỗi hạng hiện đang chờ visa.

F-1: 245,516

F-2A: 324,864

F-2B: 517,898

F-3: 553,280

F-4: 1,727,897

Số người chờ visa hiện nay lên tới 3,369,455 vượt hẳn so với Tháng Giêng năm 2009 là 2,723,352.

Số người chờ visa của mỗi nước là:

Mexico: 1,178,761

Phi Luật Tân: 82,694

Trung Quốc (Lục Ðịa): 197,559

Ấn Ðộ: 194,954

Việt Nam: 184,692

...

Năm ngoái, 2009, số người Việt Nam vào Mỹ theo diện di dân là: 20,079 chia ra như sau:

- Diện trực hệ (IR): 7,563.

- Các diện phải chờ visa: 12,435.

- Diện đặc biệt: 11.

- Diện công nhân: 24.

Dưới đây là thông báo Chiếu khán Di Dân của tháng 4 năm 2010:

F-1: 08 tháng 7 năm 2004 so với tháng 3 năm 2010 tiến lên được 14 ngày

F-2A: 01 tháng 6 năm 2006 so với tháng 3 năm 2010 tiến lên được 2 tháng

F-2B: 01 tháng 3 năm 2002 so với tháng 3 năm 2010 tiến lên được 1 tháng

F-3: 22 tháng 5 năm 2001 so với tháng 3 năm 2010 tiến lên được 0 ngày

F-4: 01 tháng 3 năm 2000 so với tháng 3 năm 2010 tiến lên được 1 tháng 15 ngày.

Khi làm đơn bảo lãnh cho thân nhân ta nên lưu ý các điểm sau đây:

- Ngoài vợ/chồng, người chỉ có thẻ xanh không được phép bảo lãnh cho con có gia đình. Do đó, trong khi chờ visa mà người con lấy vợ/chồng thì đơn bảo lãnh của bố mẹ bị mất hiệu lực (invalid). Nghĩa là bố mẹ phải đợi có quốc tịch Mỹ rồi mới làm đơn bảo lãnh mới theo diện F-3.

Nhưng nếu người con lập gia đình khi bố mẹ đã có quốc tịch thì đơn bảo lãnh cũ không bị hủy bỏ nhưng sẽ bị đẩy xuống ưu tiên F-3.

- Người được anh chị em bảo lãnh thì độc thân hay có gia đình đều thuộc ưu tiên F-4. Do đó, sau khi được bảo lãnh dù có thay đổi tình trạng gia đình thì đơn bảo lãnh cũng không bị ảnh hưởng.

- Người đã có gia đình được bố mẹ có quốc tịch Mỹ bảo lãnh, nếu trong khi chờ visa mà ly dị thì sẽ được chuyển lên ưu tiên F-1.

* Về tác giả: Giáo Sư Hà Ngọc Cư hiện là Giám đốc Trung tâm CIS chuyên lo về di dân và tị nạn, văn phòng tại: 2701 Fannin, Suite # 100-107, Houston, TX 77002. Ðiện thoại: (713) 651-0371.

Tin cập nhật về thủ tục xin chiếu khán

* Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.

Luật di trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,”đăng hàng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 226,388 luật sư nhưng chỉ có 151 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú. Ngoài ra, Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Sau khi đơn I-130 được chấp thuận, hồ sơ được chuyển qua National Visa Center (NVC) (tức là Trung Tâm Chiếu Khác Quốc Gia) để thu thập những chi phí chiếu khán và tài liệu cần thiết như đơn xin chiếu khán và bảo trợ tài chánh. Sau khi NVC nhận đầy đủ tài liệu, hồ sơ được chuyển qua Lãnh Sự Hoa Kỳ để lo thủ tục cấp chiếu khán. Ngoài việc xem xét sự liên hệ gia đình có chân thật hay không, Lãnh Sự Hoa Kỳ còn xem xét “người thừa hưởng” có lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh hay không. Ðơn I-130 được chấp thuận không có nghĩa là chiếu khán sẽ được cấp, nhưng chỉ có nghĩa là những tài liệu nộp vào chứng minh rằng “người thừa hưởng” là thân nhân được định nghĩa dưới những điều luật di trú và “người thừa hưởng” hội đủ điều kiện để nộp đơn xin chiếu khán di dân theo diện bảo lãnh thân nhân.

Trước đây, sau khi nộp mẫu bảo trợ tài chánh và mẫu đơn xin chiếu khán DS-230 cho National Visa Center (tức là trung tâm chiếu khán quốc gia) thì hồ sơ sẽ được chuyển về Việt Nam để được lên danh sách đi phỏng vấn. Khi đi phỏng vấn thì đương sự phải cầm theo những giấy tờ bản chánh và giấy tờ cần thiết. Thủ tục này đã được thay đổi. Theo phương sách hiện nay, giấy tờ bản chánh và những giấy tờ cần thiết cần phải được nộp trước cho trung tâm chiếu khán quốc gia trước khi hồ sơ được chuyển về cho lãnh sự để được phỏng vấn.

Những giấy tờ cần thiết phải được nộp cho trung tâm chiếu khán quốc gia là:

1. Bản sao của hộ chiếu có hình của đương sự và ngày hết hạn của hộ chiếu. Trung tâm chiếu khán quốc gia đòi hỏi là hộ chiếu phải còn hạng vì khi cấp chiếu khán, hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất 6 tháng.
2. Bản chánh khai sanh hoặc bản sao có đóng mộc của cơ quan chính quyền chứng thực là sao y bản chánh.
3. Những đương sự nào có án phải nộp bản sao của bản án có đóng mộc của tòa. Bản án phải có ghi rõ tội trạng mà đương sự bị kết án và kết quả của bản án.
4. Nếu đương sự đã lập gia đình, cần phải nộp bản chánh hôn thú hoặc bản sao có mộc chánh của cơ quan chính quyền cấp.
5. Nếu đương sự nào đã lập hôn thú và đã ly dị, cần phải nộp bản chánh giấy ly dị hoặc bản sao có đóng mộc của tòa án. Nếu hôn nhân đã chấm dứt vì người phối ngẫu đã qua đời thì cần phải nộp bản chánh giấy khai tử hoặc bản sao có đóng mộc của cơ quan chính quyền.
6. Những đương đơn từ 16 tuổi trở lên cần phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp do Bộ Tư Pháp cấp. Nếu đương sự có ở những quốc gia nào hơn 12 tháng khi đương sự đã 16 tuổi thì đương sự phải nộp giấy chứng là chưa từng phạm pháp.

Monday, August 17, 2009

Du lịch, du học muốn có “Thẻ Xanh” qua hôn nhân phải làm sao?

gười có thẻ xanh hoặc quốc tịch Mỹ có thể đem vợ hoặc chồng vào Mỹ, đó là điều đương nhiên. Trong phạm vi bài này chỉ nói về trường hợp những người vào Mỹ hợp pháp (như du lịch hay du học chẳng hạn) mà muốn ở lại Mỹ qua hôn nhân.

Người vào Mỹ hợp pháp nếu lấy vợ/chồng có quốc tịch Mỹ thì có thể ở lại Mỹ luôn. Ðơn xin đổi từ diện không di dân (non-immigrant) như du lịch, du học sang diện di dân (immigrant) gồm :

- Mẫu đơn I-130 (đơn bảo lãnh): lệ phí $355

- Mẫu I-485 (đơn xin thẻ xanh): lệ phí $1,010

- Mẫu I-765 (đơn xin thẻ làm việc): không phải đóng lệ phí nếu nộp chung với mẫu I-130

- Mẫu I-131 (đơn xin giấy trở lại Mỹ nếu chưa có thẻ xanh): không phải đóng lệ phí nêu nộp chung với mẫu I-485.

Toàn bộ các mẫu đơn trên nộp chung với nhau cùng với lệ phí và giấy tờ liên quan (như khai sinh, hôn thú, giấy ly dị, copy bằng quốc tịch, copy passort, I-94, I-20, tax transcript, giấy chứng nhận đang làm việc, hình (kiểu passport),... gửi đến địa chỉ:

Department of Homeland Security

P.O. Box 805887

Chicago, Il 60680-4120

Thời gian chờ được phỏng vấn trung bình khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Vì khi được phỏng vấn hôn thú chưa đủ hai năm nên chỉ được cấp thẻ xanh tạm (conditional resident) có thời hạn 2 năm.

Ba tháng trước khi thẻ xanh này hết hạn thì phải nộp mẫu đơn I-751 (đơn xin gỡ bỏ quy định hai năm chung sống tức Application to remove condition on residence). Lệ phí: $205. Các giấy tờ nộp chung với mẫu đơn này gồm các bằng chứng về sự vợ chồng sống chung với nhau như:

- Khai sinh con (nếu có)

- Bank statements của thời gian sống chung

- Bảo hiểm xe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế

- Hợp đồng thuê nhà, bằng khoán nhà

- Hình ảnh hai người chụp chung với nhau

- Giấy khai có tuyên thệ của hai nhân chứng xác nhận hai người đã sống chung như vợ chồng trong hai năm qua.

Tóm lại tất cả những bằng chứng có thể thuyết phục được Sở Di Trú là hai người đã thực sự chung sống như vợ chồng. Nếu Sở Di Trú tin chắc rằng hai người đã thực sự chung sống với nhau như vợ chồng thì sẽ miễn phỏng vấn và sẽ gửi thẻ xanh cho mình. Trong trường hợp nghi ngờ thì họ sẽ gửi giấy báo ngày phỏng vấn. Hai người phải trình diện để được phỏng vấn. Có nhiều trường hợp Sở Di Trú sẽ tách riêng để phóng vấn từng người một và videotape để so sánh lời khai của hai người.

* Những trường hợp đặc biệt:

- Ly dị trước khi thẻ xanh tạm hết hạn: Quy chế thường trú hết hiệu lực. Người được bảo lãnh phải trở về nguyên quán. Nếu lấy chồng/vợ khác cũng phải về nguyên quán đã rồi sau đó người chồng/vợ mới sẽ lập thủ tục bảo lãnh lại cho mình. Nên nhớ rằng kể từ lúc ly dị với chồng/vợ là mình đã mất quy chế thẻ xanh (out of status) và thời gian ở Mỹ kể từ lúc đó là bất hợp pháp. Ở bất hợp pháp từ 6 tháng trở lên là bị cấm vào Mỹ 3 năm; từ một năm trở lên thì bị cấm 10 năm.

- Chồng/vợ qua đời trước thời hạn 2 năm: Trước đây thì phải trở về nguyên quán. Hiện nay Sở Di Trú ra quyết định tạm ngưng trục xuất những người ở trong hoàn cảnh này. Sở Di Trú sẽ có quyết định là có cho những người ở trường hợp này được hưởng qui chế thường trú (permanent residence) không.

- Bị chồng/vợ hành hạ (abuse) về thể xác hay tinh thần: Nếu có bằng chứng như biên bản của cảnh sát, giấy chứng nhận của cơ quan bảo vệ phụ nữ (như Women's Center) thì có thể xin được quy chế thường trú bằng cách nộp mẫu đơn I-360.

Sau hết xin lưu ý những người có thẻ xanh qua hôn nhân về thủ tục nộp đơn nhập tịch. Người có vợ/chồng là công dân Mỹ có thể nộp đơn nhập tịch nếu hội đủ các điều kiện sau:

- Vợ/chồng đã có quốc tịch Mỹ từ 3 năm trở lên.

- Hôn thú đã lập từ 3 năm trở lên.

- Thẻ xanh thường trú đã được 3 năm trở lên, ngày có thẻ xanh thường trú cũng là ngày có thẻ xanh tạm (tức thẻ xanh conditional). Có thể nộp 3 tháng trước thời hạn 3 năm

Xin nhắc lại là chỉ được nộp đơn nhập tịch khi đã có thẻ thường trú. Có người thấy thẻ xanh tạm (conditional) được 3 năm (vì thời gian chờ được cấp thẻ xanh thường trú có khi kéo dài trên một năm) đã vội vàng nộp đơn xin nhập tịch nên mất toi tiền lệ phí.

Muốn biết thêm các thông tin khác, xin vào website cua Sở Di Trú tại địa chỉ: www.uscis.gov

* Về tác giả: Giáo Sư Hà Ngọc Cư, hiện là giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên về di dân và tị nạn, văn phòng tại: 2701 Fannin, Suite # 100-107, Houston, TX 77002.

Tuesday, July 07, 2009

Kháng cáo hồ sơ bảo lãnh bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối - Phần 2

Ðề tài: Kháng cáo hồ sơ bảo lãnh bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối - Phần 2

Như đã trình bày vào kỳ trước, sau khi hồ sơ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ, Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ gửi thông báo cho người bảo lãnh là họ đã nhận được hồ sơ trả về và họ sẽ thông báo quyết định cho người bảo lãnh vào thời gian sắp tới. Thông báo quyết định của Sở Di Trú Hoa Kỳ được gọi là The Notice of Intent to Revoke (tạm dịch là thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận). Khi Sở Di Trú gửi thông báo đó ra, họ chỉ cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Người bảo lãnh chỉ có 30 ngày để trả lời và kèm theo những chứng từ để biện hộ chống lại ý định thu hồi sự chấp thuận của Sở Di Trú và trong trường hợp người bảo lãnh không trả lời, hoặc trả lời sau 30 ngày, hoặc sự trả lời không khắc phụ được Sở Di Trú thì Sở Di Trú sẽ thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh đó.

Ða số hồ sơ bảo lãnh thân nhân bị Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán là vì Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ cho rằng hôn nhân của đương sự là giả để hưởng quyền lợi di trú hoặc ly dị của đương sự là giả để được hưởng diện ưu tiên cao hơn. Khi tham khảo với những vị thân chủ đó thì hầu như không có vị nào lưu lại những dữ kiện chứng từ đã nộp cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ. Khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định từ chối không cấp chiếu khán và trả hồ sơ về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ để từ chối đơn bảo lãnh, Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ trả đơn bảo lãnh và nêu những lý do tại sao Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trả hồ về Sở Di Trú Hoa Kỳ. Có nhiều khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ nêu ra chi tiết bất lợi cho hồ sơ để từ chối nhưng lại không nêu ra những chi tiết có lợi cho hồ sơ. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ cũng không cung cấp cho Sở Di Trú những chứng từ dữ kiện mà người thừa hưởng đã nộp cho tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc đi phỏng vấn. Sở Di Trú Hoa Kỳ chỉ dựa vào những lý do của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ nêu ra để gởi thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ không kèm hết tất cả những chứng từ do người thừa hưởng nộp vào để trả về cho Sở Di Trú. Có vài lý do quan trọng tại sao đương sự phải giữ lại những bản sao. Lý do thứ nhất là chúng ta phải lưu lại bản sao của những chứng từ đó để nộp vào Sở Di Trú khi họ liên lạc người bảo lãnh và cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Khi làm như vậy hồ sơ của đương sự sẽ có nhiều cơ hội để được Sở Di Trú tái chấp thuận hoặc tạo lên chứng từ để chúng ta có thể kháng cáo khi Sở Di Trú Hoa Kỳ thu hồi sự chấp thuận. Lý do thứ nhì là khi quí vị có đầy đủ hồ sơ thì sẽ giúp người luật di trú duyệt lại hồ sơ bị từ chối và chuẩn bị hồ sơ để biện hộ cho quí vị vì khi Sở Di Trú Hoa Kỳ gửi thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận của đơn bảo lãnh, Sở Di Trú Hoa Kỳ chỉ cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Nhiều khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán và báo cho người thừa hưởng biết rằng hồ sơ sẽ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ không nói rõ lý do tại sao họ từ chối không cấp chiếu khán. Người bảo lãnh lẫn người thừa hưởng sẽ bị hoang mang không biết lý do tại sao hồ sơ bị bát. Trong trường hợp đó, khi duyệt lại những dữ kiện đã nộp cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và sau khi liên lạc với người thừa hưởng thì người luật sư di trú mới xác định được lý do tại sao hồ sơ bị bác. Khi biết được lý do, người luật sư di trú đó mới có thể giúp người thân chủ thu tập tài liệu chứng từ chuẩn bị để biện hộ chống ý định thu hồi sự chấp thuận của Sở Di Trú Hoa Kỳ một cách cặn kẽ và kết quả sẽ được khả quan hơn.

Mời quí bạn đọc theo dõi tiếp theo, cũng trong mục di trú do Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương phụ trách, trên số báo Người Việt Chủ Nhật tuần tới, với đề tài “Kháng Cáo Hồ Sơ Bảo Lãnh Bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Từ Chối - Phần III.”

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Bảy năm 2009.

Ưu tiên 1 - priority date là ngày 15 Tháng Mười Một năm 2002, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A - priority date là ngày 22 Tháng Mười Hai năm 2004, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B - priority date là ngày 15 Tháng Tư năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 - priority date là ngày 22 Tháng Mười năm 2000, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 - priority date là ngày 22 Tháng Mười năm 1998, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: http://www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2009-07%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html.

Ghi chú: Ðể am tường về việc nhập cảnh Hoa Kỳ đầy phức tạp, mời quý vị đón đọc mỗi tuần mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú” và mục “Giải Ðáp Thắc Mắc” trên nhật báo Người Việt phát hành ngày Chủ Nhật ở trang Ðịa Phương, do Luật Sư Di Trú Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách.

Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren C. N. Nguyen hoặc Luật Sư Thuong T.C. Luu của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.NguyenLuu.com. Ðiện thoại (949) 878-9888.

Thursday, May 14, 2009

Yêu Mẹ

Tháng 5 ở quận Cam, những hàng phượng tím đã bắt đầu nở hoa trên nhiều con đường như để đón chào ngày Lễ Mother's Day-Ngày của Mẹ, sẽ đến vào Chủ Nhật tuần này.

Màu hoa phượng tím đẹp dịu dàng như Tình của Mẹ dành cho con bạn nhỉ.

Cho dù ngày Mother's Day có bị thương mại hóa ở Hoa Kỳ đi nữa, nhưng vẫn là dịp nhắc nhở cho những người con bày tỏ lòng thương yêu của mình dành cho Mẹ.

Ðó có thể là lời thăm hỏi ân cần qua điện thoại, qua email từ miền Tây về miền Ðông, hay ngược lại.

Ðó có thể là tấm thiệp nhỏ có ghi dòng chữ chân thành từ trái tim đầy tình yêu của đứa con đối với Mẹ.

Ðó có thể là những đóa hoa tuyệt đẹp, tươi thắm mang đến cho Mẹ nụ cười trên môi.

Trước mắt của đứa con, khuôn mặt Mẹ sẽ mãi mãi đẹp, sẽ mãi mãi được ấp ủ trong lòng, mặc cho những đường nhăn tuổi tác, mặc cho những khắc khổ của sự hy sinh hằn dấu ở đó.

Dù có trang bị một nền học vấn cao hay thấp, Mẹ mãi mãi là người thông minh vì đã hóa giải những khó khăn trong đời sống một cách tài tình.

Tạo hóa và trường đời đã dạy cho Mẹ khả năng đó.

Tôi mất Mẹ đã 5 năm nay thế mà đôi lúc vẫn thấy bơ vơ như một đứa trẻ mồ côi cho dù mình đang là Mẹ, đã và đang phải tiếp tục vững vàng để cho những đứa con dựa vào mà lớn khôn.

Ðôi lúc tôi thèm được ngả đầu trên vai Mẹ, được nắm tay Mẹ dẫn đi trong một ngôi chợ Việt Nam để chọn bó rau muống, con cá tươi như hình ảnh mà tôi bắt gặp của một người nào đó, may mắn còn có Mẹ.

Tôi thương những người mồ côi Mẹ từ khi còn rất nhỏ. Họ mất mát biết bao nhiêu là kỷ niệm yêu dấu với Mẹ: vòng tay trìu mến, nụ hôn ngọt ngào, lời ru du dương, bữa cơm ngon trên bàn, ly nước cam, bát cháo nóng khi bệnh...

Tôi tội nghiệp cho người Mẹ bất hạnh phải hàng ngày lo lắng cho đứa con chẳng may bị tàn tật từ nhỏ. Tôi cảm thương cho niềm cô đơn và sự buồn đau của người Mẹ đang ngồi bên giường bệnh của đứa con, theo dõi từng hơi thở yếu đuối của nó.

Tình Mẹ hiện diện trong mọi hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc đời và nhờ đó, người Mẹ không bao giờ bỏ cuộc.

Tôi xúc động và tức giận vì có người con không bao giờ viếng thăm Mẹ mình khi được biết người Mẹ ấy đang sống cô đơn, bệnh tật và không hề gặp con đã 3, 4 năm.

Dĩ nhiên trong đời sống cũng có một số bà Mẹ ích kỷ, bỏ bê con cái vì cờ bạc, vì tình yêu riêng tư khiến người con lớn lên thiếu tình mẫu tử và trở nên giận hờn hay tủi thân. Ðiều này thật là một mất mát lớn lao trong cuộc đời của họ.

Tôi hy vọng là nếu Mẹ có thể tha thứ cho con thì con cũng có thể tha thứ cho Mẹ được!

May mắn thay, số người Mẹ thiếu bổn phận này chỉ là vài giọt nước trong đại dương mênh mông của tình Mẹ phải không bạn.

Ngày của Mẹ, gởi đến bạn một vài câu nói giản dị mà thắm thiết của nhiều người, vinh danh Tình Mẹ:

“Mẹ cầm tay dẫn con đi trên trường đời chỉ trong một thời gian ngắn, thế nhưng Mẹ cất giữ trái tim của con mãi mãi”.

“Mẹ không phải là người để chúng ta dựa vào để sống, nhưng là người giúp chúng ta nhận ra việc dựa-vào-ai-đó-để-sống là không cần thiết”.

“Mẹ là người dạy cho chúng ta biết rằng điều quan trọng không phải là chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là có bao nhiêu tình yêu ta đặt vào đó khi cho đi”- Mother Theresa

Chúc bạn một ngày Mother's Day tuyệt vời.

Hẹn bạn thư sau nhé.

Thursday, March 19, 2009

Những trường nào đem lại thu nhập cao nhất sau khi tốt nghiệp?

* University of California dẫn đầu trong số các trường công lập

Phạm Khoa

Payscale - một hãng chuyên cung cấp số liệu về thu nhập cá nhân toàn cầu - vừa công bố kết quả một cuộc nghiên cứu được thực hiện trong khoảng một năm về thu nhập của 1.2 triệu cử nhân (từ hơn 300 trường đại học ở Hoa Kỳ), sau 10 đến 20 năm từ khi tốt nghiệp, để tìm hiểu tương quan giữa thu nhập với nơi học và nghề nghiệp. Cuộc nghiên cứu này không bao gồm những ngành đòi hỏi bằng cấp sau đại học như MBA, MD hay JD.

Bảng kê chi tiết về tương quan giữa thu nhập với nơi học và nghề nghiệp, được công bố trên Wall Street Journal, cho thấy, cử nhân của các trường Ivy League (Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Yale…) có thu nhập trung bình lúc mới tốt nghiệp cũng như sau 10 năm làm việc cao hơn các trường khác khoảng 32%.

Người ta giải thích sự chênh lệch này có thể vì rất đông cử nhân các trường Ivy League có khuynh hướng đi vào lĩnh vực tài chính và quản lý, vốn là những ngành có thu nhập cao.

Một chi tiết rất đáng kiêu hãnh cho California là hệ thống University of California hiện đứng đầu bảng những đại học công lập có các cử nhân với thu nhập cao nhất.

Thu nhập theo trường - các đại học tư thục

Trong hệ thống đại học tư thục, những trường nơi sinh viên sau khi tốt nghiệp có thu nhập cao nhất Hoa Kỳ là Dartmouth College, Princeton University, Stanford University, Yale University, Massachusettes Institute of Technology, Harvard University, University of Pennsylvania và University of Notre Dame. Mức lương trung bình trong 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp của cử nhân các trường này khoảng $58,000 đến $72,200 và của các cử nhân đã tốt nghiệp được 10 đến 20 năm khoảng $120,000 đến $134,000. Trong đó mức cao nhất có thể lên đến $326,000 (Yale University) hoặc $321,000 (Dartmouth College).

Với các trường chuyên về kỹ thuật, dẫn đầu về thu nhập của cử nhân là Massachusetts Institute of Technology (thu nhập trung bình sau 10 đến 20 năm kể từ khi tốt nghiệp là $126,000), thứ nhì là California Institute of Technology ($123,000) và thứ ba là Harvey Mudd College ($122,000).

Với các trường chuyên về khoa học nhân văn, dẫn đầu là Bucknell University (thu nhập trung bình sau 10 đến 20 năm kể từ khi tốt nghiệp là $110,000) và thứ nhì là Colgate University ($108,000).

Thu nhập theo nghề

Xét về mức lương khởi sự theo nghề nghiệp, Trợ tá bác sĩ – Physician assistant – có mức lương khởi sự cao nhất ($74,300), Kỹ sư hoá đứng thứ nhì ($63,200) và Kỹ sư điện toán đứng thứ ba ($61,400). Nằm trong top 10 về mức lương khởi sự còn có: Kỹ sư điện, Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư công nghiệp, Kỹ sư hàng không, Khoa học điện toán, Y tá và Kỹ sư công trình dân dụng.

Xét về tốc độ tăng thu nhập theo nghề, Triết học và Toán là những lĩnh vực có mức tăng thu nhập cao nhất (tăng 103.5% sau 10 đến 20 năm làm việc). Đứng thứ nhì là Quan hệ quốc tế (97.8%), thứ ba là Kinh tế (96.8%) và thứ tư là Tiếp thị (95.1%).

Kỹ sư nói chung có tốc độ tăng thu nhập ở mức trung bình (khoảng 67% đến 75%).

Mặc dù Trợ tá bác sĩ và Y tá có mức lương khởi sự cao nhất, nhì, song đây lại là hai nghề có mức tăng thu nhập thấp nhất sau 10 đến 20 năm làm việc (mức tăng chỉ khoảng 23%).

Thu nhập theo trường - các đại học công lập

Dưới đây là danh sách những trường công lập có cử nhân đạt thu nhập cao nhất sau khi tốt nghiệp. Xin lưu ý mức lương cao nhất là mức cao nhất khi tính trung bình cho cử nhân đã tốt nghiệp từ 10 đến 20 năm. Vẫn có khoảng 10% đến 20% cử nhân có thu nhập cao hơn mức này sau 10 đến 20 năm làm việc.

Hạng 1
University of California, Berkeley
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $59,900
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $112,000 - mức lương cao nhất: $201,000

Hạng 2
University of Virginia
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $52,700
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $103,000 - mức lương cao nhất: $215,000

Hạng 3 đồng hạng
University of California, Los Angeles
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $52,600
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $101,000 - mức lương cao nhất: $193,000

Hạng 3 đồng hạng
California Polytechnic, San Luis Obispo
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $57,200
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $101,000 - mức lương cao nhất: $178,000

Hạng 3 đồng hạng
University of California, San Diego
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $51,100
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $101,000 - mức lương cao nhất: $177,000

Hạng 6
University of California, Davis
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $51,100
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $101,000 - mức lương cao nhất: $202,000.

Hạng 7
University of Colorado, Boulder
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $47,100
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $97,600 - mức lương cao nhất: $187,000

Hạng 8
University of California, Irvine
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $48,300
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $96,700 - mức lương cao nhất: $172,000

Hạng 9 đồng hạng
University of Illinois, Urbana-Champaign
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $52,900
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $96,100 - mức lương cao nhất: $177,000

Hạng 9 đồng hạng
Texas A&M University
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $49,700
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $96,100 - mức lương cao nhất: $171,000

Hạng 11
State University of New York, Binghamton
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $53,600
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $95,900 - mức lương cao nhất: $201,000

Hạng 12
Missouri University of Science and Technology
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $57,100
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $95,800 - mức lương cao nhất: $166,000

Hạng 13
San Jose State University
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $53,500
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $95,600 - mức lương cao nhất: $156,000

Hạng 14 đồng hạng
University of California, Santa Barbara
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $50,500
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $95,000 - mức lương cao nhất: $173,000

Hạng 14 đồng hạng
University of Maryland, College Park
Lương trung bình của 5 năm đầu sau khi tốt nghiệp: $52,000
Lương trung bình sau khi tốt nghiệp 10 đến 20 năm: $95,000 - mức lương cao nhất: $166,000

Thursday, December 25, 2008

Bằng cấp nước ngoài khi xin học hoặc di trú ở Mỹ: dịch vụ thẩm định

Hoa kỳ chấp nhận bằng cấp và điểm học của nước ngoài trong nhiều trường hợp, chẳng hạnxin đi học, làm việc hoặc làm giấy tờ di trú.Tuy nhiên, để được xem xét, bạn phải gởi bằng cấp và bảng điểm cho một tổ chức, tại Hoa Kỳ,chuyên thẩm định bằng cấp nước ngoài (Credential Evaluation Service).Các trung tâm này sẽ đánh giá và “dịch” lại bằng cấp của bạntheokhung của hệ thống đại học Mỹ, giúp các trường hay tổ chức dễ dàng trong việc xem xét,đánh giá. Thí dụ, bằng “cử nhân đại học” hay “cử nhân đại học mở rộng” của Việt Nam, khi xét thấy đủ số tín chỉ đại học theo hệ thống giáo dục của Mỹ, đều sẽ được thẩm định là tương ứng với bằng “bachelor” của Mỹ.

Khi nào cần thẩm định bằng cấp?

Bạn cần phải nộp kết quả thẩm định bằng cấp và điểm nước ngoài trong những trường hợp sau:

* Thủ tục di trú: xin các loại visa làm việc ở Mỹ, như H1-B;
* Thủ tục xin học cao học hay tiến sĩ: khi nộp hồ sơ xin học cho trường; và
* Xin thi lấy giấy phép hành nghề: khi xin thi các kỳ thi giấy phép hành nghề như CPA, vào Luật Sư Đoàn.

Yêu cầu thẩm định của mỗi mục đích trên khác nhau. Thủ tục di trú chỉ đòi hỏi một kết quả thẩm định tóm tắt, cho biết bằng cấp nước ngoài của bạn tương đương bằng cấp gì ở Mỹ. Khi xin thi lấy giấy phép hành nghề thông thường bạn được yêu cầu nộp một thẩm định chi tiết hơn, liệt kê các mônđã học và số tín chỉ hoàn tất. Mỗi trường đại học có yêu cầu khác nhau, có thể chỉ cần thẩm định tóm tắt hoặc phải liệt kê chi tiết. Một số trường chỉ yêu cầu bạn nộp bằng cấp và bảng điểm gốc để họ tự thẩm định.

Ai thẩm định?

Từ năm 1970 việc thẩm định bằng cấp nước ngoài chủ yếu do các tổ chức tư nhân thực hiện hoặc do các trường đại học trực tiếp phụ trách. Hội National Association of Credential Evaluation Services (NACES)đưa ra một số hướng dẫn và tiêu chuẩn cho các tổ chức thẩm định thành viên. Đính kèm dưới đây là danh sách các tổ chức thẩm định (TCTĐ) thành viên của NACES để bạn tham khảo.

Những điều cần lưu ý khi chọn nơi thẩm định

Chính phủ Mỹ không có hướng dẫn hay qui định gì chi phối phương cách và tiêu chuẩn thẩm định. Vì vậy, mỗi TCTĐ có cách làm việc riêng và những tiêu chuẩn riêng.Thí dụ, Anh Quốc có bằng gọi là Higher National Diploma (HND). Nếu một sinh viên đã có bằng HND xin vào một trường đại học ở Anh Quốc, anh ta sẽ được nhận vào học năm thứ hai đại học để lấy bằng cử nhân. Nhưng, vẫn có một số TCTĐ ở Mỹ công nhận bằng HND như bằng cử nhân. Tương tự, bằng “cao đẳng” của Việt Nam cũng có thể được xem là tương đương cử nhân hay không tuỳ vào cách đánh giá của TCTĐ. Kết quả thẩm định của hai tổ chức khác nhau có thể mâu thuẫn nhau.

Những giấy tờ yêu cầu nộp để thẩm định cũng không đồng nhất. Hầu hết các TCTĐ chỉ yêu cầu nộp bản sao bằng cấp và bảng điểm không có công chứng, trừ một vài trường hợp như khi cần thẩm định để thi CPA, bạn có thể phải nộp bản gốc. Tuy nhiên, cũng có những TCTĐ ra điều kiện riêng là bằng cấp và bảng điểm từ một số nước nào đó (thường là những nước chậm phát triển, nơi phổ biến trường hợp giấy tờ giả, như Nga, Việt Nam) phải nộp bản gốc, hoặc đôi khi, du di hơn, bản sao có công chứng. Các bản gốc sẽ được trả về cho bạn sau khi thẩm định.

Một số TCTĐ nhận phiên dịch bảng điểm sang tiếng Anh; một số nơi khác yêu cầu bạn phải nộp bản dịch kèm theo; phải là bản dịch của một nơi chuyên môn về dịch thuật.

Khi chọn lựa nơi thẩm định, tốt nhất bạn nên gọi điện thoại để hỏi thông tin trước. Đầu tiên, phải bảo đảm rằng nơi bạn cần gởi điểm chấp nhận TCTĐ bạn chọn. Thông thường Phòng Tuyển Sinh của mỗi trường nơi bạn muốn học,Lãnh Sự Mỹ khi bạn xin visa làm việc, và ban tổ chức thi lấy giấy phép hành nghề, đều có công bố trên trang web của họ danh sách các TCTĐ họ “đề nghị tham khảo” hoặc “yêu cầu” sử dụng. Nếu họ không có hướng dẫn về TCTĐ bạn nên chọn một thành viên của NACES.

Khi nói chuyện với TCTĐ, hãy hỏi mức phí, thời gian chờ đợi, những giấy tờ cần cung cấp để thẩm định, và hỏi họ sơ lược với bảng điểm bạn mô tả, kết quả thẩm định sẽ có nội dung ra sao, công nhận bạn có bằng cấp gì. Chọn lựa nơi thẩm định tuỳ theo yêu cầu và mục đích của bạn. Thí dụ, nếu ở nước bạn dễ xin bảng điểm gốc nhưng khó xin thêm một bản gốc văn bằng, và bạn không thấy yên tâm phải gởi văn bằng gốc qua bưu điện (nhất là khi bạn phải gởi từ quê nhà sang Mỹ), bạn có thể tìm một tổ chức chấp thuận thẩm định bản gốc bảng điểm và bản sao bằng cấp.

Quá trình thẩm định

Sau khi liên lạc với TCTĐ, bạn phải nộp hồ sơ thẩm định và money order hay cheque trả tiền qua bưu điện. Phí thẩm định thường là từ $50 đến $250 tuỳ loại và mục đích thẩm định. Quá trình thẩm định thường mất khoảng 20 ngày, nhưng bạn nên gọi hoặc email nhắc nhở nếu thấy chưa nhận được kết quả trong vòng hai tuần.Sau khi thẩm định, TCTĐ sẽ gởi kết quả cho những nơi được bạn yêu cầu, đồng thời gởi cho bạn một bản.

Dưới đây là danh sách các TCTĐ thành viên của NACES:

Center for Applied Research, Evaluations, & Education, Inc.
P.O. Box 18358
Anaheim, CA 92817
Phone: (714) 237-9272
Fax: (714) 237-9279
email: eval_caree@yahoo.com
http://www.iescaree.com

Wednesday, December 17, 2008

Chúa Chổm Chơi Cha

Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA
…Thị trường quốc trái là chiến trường không tiếng nổ....
Một tay quái chiêu trong nghệ thuật chính trị là James Carville đã có lời nguyện cho kiếp sau.
James Carville là cố vấn - và tác giả của nhiều đòn chính trị hiểm ác - cho Bill Clinton từ Thống đốc Arkansas lên làm Tổng thống hai nhiệm kỳ. Sau khi đan lượn trong hậu trường chính trị Hoa Kỳ, nhân vật này đã nguyện rằng kiếp sau ông sẽ đầu thai thành một tay có thế lực hơn mọi lãnh tụ hay chính khách: làm một con buôn trái phiếu - làm bond trader!
Trong kinh tế thị trường, như những phù thủy cao tay, loại con buôn ấy mới thực sự quyết định về sự chuyển vận của bạc tiền và thế lực! Bây giờ, vào cuối năm nay, có khi Carville đang cười...
Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" - và khủng hoảng đang thấm sâu xuống kinh tế khiến cả thế giới rúng động. Vụ khủng hoảng bùng nổ vào giữa tháng Chín khi Chính quyền Hoa Kỳ khoanh tay cho tổ hợp đầu tư siêu đẳng Lehman Brothers bị phá sản. Từ đó, hoang mang hốt hoảng trở thành quy luật phổ biến...
Khi thị trường hốt hoảng, mọi người đều có phản ứng thủ thân là ghim tiền lại nghe ngóng tình hình, khiến cho tiền thì có mà vay không được vì không ai dám cho vay. Nạn "ách tắc tín dụng" bùng nổ làm tê liệt thị trường vay mượn tiền bạc và gây họa cho thị trường sản xuất. Trong ba tháng liền, giới hữu trách Hoa Kỳ đã áp dụng mọi biện pháp cấp cứu, từ kinh điển, cổ điển tới bất thường, để khuyến khích mọi người tung tiền ra xài, cho vay, hoặc đi vay để duy trì sinh hoạt kinh tế bình thường.
Một trong những tiêu chuẩn đo lường mức độ an toàn của chuyện vay mượn là lãi suất liên ngân hàng trên thị trường quốc tế, gọi là London Interbank Offered Rate hay LIBOR. Nếu lãi suất này hạ, điều đó có nghĩa là các ngân hàng yên tâm và trở lại sinh hoạt tài trợ bình thường. Trong tháng 11, lãi suất đó tại Mỹ đã hạ tới mức thấp nhất từ nhiều năm nay. Vậy mà sinh hoạt tài trợ vẫn chưa bình thường. Thiên hạ vẫn ngần ngại chuyện vay mượn làm giới hữu trách gãi đầu tìm hiểu: ngần ấy phương thuốc đều được áp dụng mà vì sao thị trường tài chánh vẫn bị tê liệt?
Lúc ấy, ta phải nhìn ra ngoài và tìm ra một tiêu chuẩn đo lường khác, của những phù thủy đã làm một tay quái chiêu như James Carville phải khâm phục: con buôn trên thị trường trái phiếu. Lúc ấy, người viết bài này phải tiến sâu hơn vào một chuyện chuyên môn - và xin cáo lỗi với độc giả.
Thị trường trái phiếu là nơi người ta mua bán giấy nợ ("Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, cái công danh là cái nợ nần", cụ Nguyễn Công Trứ đã dạy như vậy.) Giấy nợ ấy đảm bảo cho người mua một phân lời - yield, đừng gọi là lãi suất - cao hay thấp tùy theo mức độ rủi ro. Trái phiếu càng dài hạn thì phân lời càng cao vì... "mai sau mình biết thế nào" - đường càng xa càng nhiều bất trắc. Khi phân lời tăng thì trị giá của tờ giấy nợ ấy giảm.
Đấy là vài khái niệm xin gọi là chuyên môn để độc giả đừng sợ mà chịu khó đọc tiếp!..
Khi lãi suất liên ngân hàng LIBOR đã giảm mà thiên hạ vẫn chưa dám bung ra vay mượn, người ta phải tìm hiểu lý do và thấy ra một khoảng cách giữa lãi suất này với phân lời trái phiếu. Thí dụ là nếu loại trái phiếu có kỳ hạn ba tháng vẫn đòi hỏi một phân lời cao hơn lãi suất LIBOR tới vài trăm điểm (2,00% chẳng hạn) thì người ta phải thấy là thiên hạ vẫn còn lo sợ, nên khi cho vay trong một hạn kỳ chỉ có ba tháng mà vẫn đòi mức lời cao hơn... Khoản sai biệt ấy, thuật ngữ chuyên môn gọi là "spread" có nghĩa là thị trường tín dụng vẫn chưa yên tâm, còn sợ rủi ro.
Chuyện ấy xảy ra vào đầu tháng 11. Yếu tố rủi ro là một động lực giải thích vì sao thị trường chứng khoán vẫn cứ tuột giá, mặc dù dân Mỹ đầy trí tuệ đã bầu lên một vị cứu tinh rực sáng như Barack Obama!
Đấy là lúc Obama phải học lại bài học của Bill Clinton hay James Carville, rằng chính trường chẳng sai khiến được thị trường và lãnh đạo anh minh vẫn chưa bằng "bọn buôn trái phiếu chết tiệt" ("the fucking bond traders", theo ngôn ngữ huê dạng của Tổng thống Bill Clinton....)
Thế rồi một buổi chiều....
Một tháng sau thôi, một chuyện rất lạ vừa xảy ra.
Hôm mùng chín vừa qua, trong phiên bán đấu giá công khố phiếu Mỹ (trái phiếu do Chính quyền Hoa Kỳ phát hành), giới đầu tư trên thế giới đã ào ào mua vào, với phân lời rất bèo - lãi suất không phần trăm - nghĩa là phân lời âm, còn thấp hơn tỷ lệ mất giá của đồng bạc! Xin viết lại cho rõ: trong khi Hoa Kỳ đang bị khủng hoảng tài chánh và suy trầm kinh tế, trong khi khi bậc cứu tinh sáng thế Obama chưa tạo ra phép lạ - lại còn đang dính chấu về chuyện mua quan bán tước ở tiểu bang Illinois - giới có tiền trên thế giới đã xếp hàng cho Mỹ vay tiền.
Mà không cần lời!
Chuyện rất lạ!
Trong cả năm dài tranh cử, dân Mỹ - và truyền thông ngu ngơ của Mỹ lẫn mấy tay thông ngôn Việt Nam - dông dài nói về sự thoái trào của Hoa Kỳ vì khủng hoảng, tổng khủng hoảng, vì Bush, vì này, vì nọ. Quả nhiên là nước Mỹ khó khá! Nhưng, bên kia sông vẫn chưa là ánh mặt trời.
Sau khi tung hô Obama và ban phát cho Hoa Kỳ nhiều lời dạy bảo vàng ngọc, Âu Châu cũng tự trôi vào khủng hoảng và sẽ còn chìm rất sâu ở dưới đó. Việc đồng Euro sẽ truất ngôi thống trị của đồng Mỹ kim chỉ là giấc mơ hão huyền.
Gương mẫu của Mỹ với mấy lý thuyết quản trị X, Y, Z linh tinh, Nhật đang lùi vào suy trầm, lần thứ sáu trong 18 năm. Vì lãi suất quá hạ, giới đầu tư xứ này đem tiền ra ngoài kiếm lời trong khi khối lượng quốc trái của Nhật đã vượt mọi kỷ lục cổ kim và mỗi tuần Tokyo lại thông báo một mức suy trầm nặng hơn. Hôm mùng 10 tháng 12, khi Ngân hàng Thế giới vừa công bố phúc trình về viễn ảnh kinh tế Đông Á với những dự báo vẫn còn lạc quan - như thường lệ - về kinh tế và ngoại thương Trung Quốc, Bắc Kinh thú thật là lần đầu tiên từ bảy năm nay, xuất cảng của họ bị sụt. Hoa Lục đã hạ lãi suất, bơm tiền kích cầu và áp dụng mọi biện pháp cấp cứu cổ điển mà không tránh nổi chu kỳ thoái trào. Và chưa rõ là có thoát khỏi động loạn xã hội hay chăng.
Trong khi ấy, cả thế giới và nước Mỹ chỉ nói về khủng hoảng Hoa Kỳ!
Vậy mà khi Mỹ chìa tay xin vay, thiên hạ xếp hàng đưa tiền mà khỏi tính tiền lời. Các con buôn trái phiếu vốn không ưa làm chuyện phước thiện mà nay lại bấm bụng cho vay theo kiểu lỗ lã như vậy thì không phải vì yêu nước Mỹ. Họ suy tính cho kỹ thì thấy Mỹ vẫn là nơi có thể trao thân gởi phận. Thà không có lời còn hơn là mất sạch vốn!
Trong kinh doanh, ngoài lợi nhuận thì ai cũng phải nghĩ tới vế đối của vấn đề: mức an toàn. Thí dụ gần gũi là đầu tư vào Việt Nam: có lời rất cao nếu có quan hệ tốt. Nhưng quan hệ ấy là chuyện phù du và rủi ro mất vốn mới là thực tại phổ biến!
Vậy mà chuyện cho Chúa Chổm Hoa Kỳ vay tiền mà khỏi cần lấy lời chưa là chuyện ly kỳ nhất. Ly kỳ hơn cả là chuyện bên trong. Lại xin một chút chuyên môn nữa, xin độc giả thông cảm.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã kịch liệt cắt giảm lãi suất liên ngân hàng (lãi suất ngắn gạn các ngân hàng cho nhau vay) để giảm bớt phí tổn vay mượn hầu kích hoạt thị trường tín dụng và kích cầu kinh tế. Lãi suất ấy nay đã sát tới xương, hạ thấp hơn thì sẽ thành lãi suất âm. Nhật Bản đã thi hành loại biện pháp ấy trong 10 năm, từ 1991 đến 2002 mà không thoát khỏi nạn giảm phát, hàng họ xuống giá mà vẫn ế. Nguy cơ giảm phát khiến người ta nói đến hiện tượng "bẫy xập tiền tệ": tiền có sẵn mà không ai dám xài và hạ lãi suất cũng vô dụng như đẩy một sợi dây.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bèn áp dụng một bài bản bất thường là in thêm tiền và đem tiền đó bơm thẳng vào doanh nghiệp, hoặc mua trái phiếu. Đó là giải pháp Nhật đã áp dụng từ 2002 đến 2006 và họ gọi là - xin lỗi - "lượng đích kim dung hoãn hoà chính sách" - nôm na kiểu Mỹ là "quantitative easing", hoặc gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ một cách có định lượng. Nghĩa là sau khi điều chỉnh tiền tệ bằng "phẩm" là hạ lãi suất, và nói trước là sẽ giữ lãi suất ở mức rất thấp đó mà không xong thì nay họ điều chỉnh bằng lượng. Là in thêm tiền bơm thẳng vào kinh tế.
Giải pháp quái đản ấy tất nhiên có rủi ro gây ra lạm phát, ai cũng nói vậy. Giới hữu trách Mỹ cũng mong thế, mong là dân chúng sợ nạn lạm phát làm tài sản mất giá nên vội đem ra xài!
Chuyện ấy có gì là ly kỳ?
Ly kỳ ở một khía cạnh rất chướng. Đồng Mỹ kim là ngoại tệ được sử dụng phổ biến trên thế giới và nhiều quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn thường giữ đa số tài sản ấy của họ dưới dạng đô la. Bây giờ, Hoa Kỳ đang bị khủng hoảng nên lẳng lặng in thêm tiền ra cứu nguy kinh tế. Thuần về lý thuyết, khi in bạc ra xài thì đồng bạc tất nhiên mất giá, tài sản bằng Mỹ kim của các đại gia thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản hay khối Á Rập bán dầu tất nhiên cũng mất giá. Nếu như vậy, tất nhiên họ phải bán Mỹ kim đi để mua cái gì khác cho khỏi lỗ.
Nhưng mua cái gì bây giờ? Việc họ dồn tiền vào mua Công khố phiếu Mỹ cho thấy là đồng bạc xanh của Mỹ có thể như nhuốm màu cỏ úa, mà vẫn còn xanh hơn nơi khác!
Luân lý ngược ngạo của câu chuyện này, ta có thể tìm thấy tại... Las Vegas.
Bước vào sòng bạc, ta đưa chủ sòng một nắm tiền tươi để đổi lấy đồng "phỉnh" - ai nghĩ ra chữ này là người cực kỳ thông minh! - là những đồng sầu, đồng "chips". Bây giờ, chủ sòng thua bạc quá đậm nên định lại giá trị của đồng phỉnh: "từ nay, đồng xanh trị giá trăm bạc này chỉ còn năm chục thôi nhá!" Tại Las Vegas, ta còn có thể chạy qua sòng bên để thử thời vạn và khỏi bị mất tiền oan như vậy. Trên thị trường toàn cầu, ta còn sòng nào khác hay không?
Cho hay, Chúa Chổm mắc nợ vẫn có quyền chơi cha và cả thế giới đang xúm vào cứu lấy sòng bạc của Chú Sam. Các con buôn trái phiếu hiểu ra điều ấy hơn nhiều vị lãnh tụ anh minh ở trên đời. James Carville nói không sai!
NGUYỄN XUÂN NGHĨA & RFA